Vợ sụp đổ khi chồng ngoại tình với “gái bia ôm” hơn con gái 4 tuổi

(ĐSVH) Trong chương trình Người thứ 3, người vợ quyết ly hôn sau khi nghe một câu nói thức tỉnh của con gái lớn và hối hận khi thách chồng ngoại tình “ai rước anh tôi sẽ bù thêm”.

Chị A (58 tuổi) sống ở Bình Chánh.  Đến với chương trình Người thứ 3, chị kể về cuộc hôn nhân kéo dài 19 năm. Hiện tại, vợ chồng chị ly hôn cách đây đã 17 năm. Năm 22 tuổi, chị quen anh khi cả hai người làm cùng cơ quan. Gia đình chị đi xem tuổi, thầy nói rằng tuổi hai người không hợp, lấy nhau về sớm muộn cũng đổ vỡ. Chị hẹn anh để chia tay thì anh khóc, kể rằng bản thân đã mất cha từ nhỏ. Anh chỉ có chị làm điểm tựa, nếu chia tay anh sẽ tự tử. Chị mềm lòng và đồng ý cưới anh anh sau một năm tìm hiểu.

Tính anh hiền lành nhưng thời gian sau, anh bắt đầu cờ bạc, không lo làm. Anh hứa với vợ bỏ tật xấu nhưng “chứng nào tật nấy”, chị nộp đơn ly hôn nhưng được tòa hòa giải. Con gái lớn gần 2 tuổi, chị A được cơ quan cử đi hợp tác lao động ở Liên Xô cũ trong 4 năm. Một thời gian, vì nhớ chồng con, chị quyết định về nước sớm để đoàn tụ cùng gia đình.

Năm 2000, ba mẹ chồng chị sửa nhà. Thời điểm đó diễn ra Worldcup, mỗi tối anh thường đi xem đá banh, nhiều đêm vẫn không về nhà. Chị ngày càng nghi ngờ khi anh có những cuộc điện thoại lạ, hẹn ra ngoài. Anh nói rằng đến nhà đồng nghiệp làm việc. Chị lân la hỏi bạn bè anh thì mới biết anh có phụ nữ ở bên ngoài.

“Tôi sụp đổ bởi không ngờ anh sẽ ngoại tình. Tôi chủ quan, thường nói đùa rằng nếu có ai rước anh đi, tôi sẽ bù thêm tiền cho họ. Ban đầu anh ấy chối, nhưng sau đó anh nói một câu khiến tôi đau lòng: “Không phải ban đầu em tự hào nói ai rước anh đi, em sẽ bù thêm, sao giờ em nói vậy?”, chị A khóc và kể lại. Chị xin chồng chấm dứt với cô gái kia bởi con đã lớn, chị không muốn con thiếu cha. Và chị biết được rằng cô gái đó còn khá trẻ, chỉ lớn hơn con gái đầu của anh chị bốn tuổi. Cô ấy quê ở Quảng Ngãi, gia đình khó khăn  phải vào Sài Gòn làm “gái bia ôm”. Cô ấy và chồng chị đã lén lút với nhau nhiều năm.

Nhà anh khi ấy lớn nhất khu phố, anh lại là con trai trưởng nên cô gái tỉnh lẻ quyết dính chặt không buông. May mắn, chị được gia đình nhà chồng yêu thương và bênh vực. Một lần, các em chồng chị  theo dõi, để đi bắt ghen anh và cô gái ấy. Mọi người đưa hai người đến công an phường, gọi xe ôm chở chị đến để chứng kiến. Sau lần đó, anh dằn vặt, tỏ ra hối hận nhưng một tuần sau anh lại bỏ đi để thuê nhà ở cùng người tình. Ba mẹ chồng tức giận, quyết định từ mặt con trai, không cho anh vào nhà.

Hai năm lang bạt với tình nhân, anh xin trở về. Chị chấp nhận cho anh trở về vì muốn các con có đầy đủ cha mẹ. Nhưng được một thời gian thì anh lại giở thói vũ phu. Chị kể: “Những lần nóng giận, anh xưng hô mày tao và đánh tôi. Con gái lớn khi ấy học lớp 12 hỏi tôi có hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này không? Nếu không thì hãy li dị. Con gái thứ hai 11 tuổi nói sẽ nghe theo mọi quyết định của tôi, chỉ cần các con được sống cùng mẹ”.

Nghe những lời của con, chị A quyết định ly hôn. Anh từ chối ly hôn nhưng sau 3 lần tòa mời lên làm việc, anh cũng chấp nhận. Chị một mình nuôi hai con với nhiều vất vả, khó khăn. “Đến hiện tại, tôi muốn cám ơn hai con, vì đã luôn bên cạnh mẹ. Bây giờ các con đều học ở nước ngoài, một bé ở Mỹ, một bé ở Úc. Tôi xem đó là sự thành công lớn, bù đắp những khổ đau mà tôi trải qua. Tôi tự hào vì mình sinh hai con gái và nuôi dạy con nên người. Sau này, tôi nhận ra nguyên nhân ly hôn đến từ hai phía. Đầu tiên là sự không tương xứng về gia thế, trình độ của hai người. Tôi dần thiếu sự quan tâm và mệt mỏi khi mỗi ngày đối diện với anh. Sự mặn nồng, lửa trong tình yêu không còn đủ để gắn kết. Người thứ 3 là tác nhân đẩy hôn nhân của hai người đến bi kịch”, chị  A thú nhận.

Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A rơi nước mắt trước câu nói của con gái lớn chị H: “Nhiều cô cậu bé học trò của tôi ở trong độ tuổi mới lớn, tuổi thơ phải đối diện với cảnh ba mẹ không hạnh phúc. Các bạn nghe ba mẹ nói cố gắng ở với nhau vì con cái. Ba mẹ gọi đó là hy sinh cho con, nhưng không hiểu các con nghĩ gì. Con cần ba mẹ biết sống cho bản thân, chứ không cần gia đình đầy đủ số lượng, hiện diện một người tên ba và một người tên mẹ. Các con của chị đã hiểu vấn đề và chủ động lên tiếng để mẹ chọn giải pháp tốt nhất cho cuộc đời mẹ lẫn con, để mẹ thực sự được cởi trói”.

Nữ tiến sĩ cũng dẫn câu nói: “Mây tầng nào gặp gió tầng đó” để nói về khoảng cách dân trí, trình độ của hai người sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ, nếu đối phương không thiện chí kéo gần khoảng cách, thì bi kịch sớm muộn sẽ đến. Việc dừng lại không phải là chấm hết mà để bước sang một hành trình mới tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Sau khi tâm sự với tiến sĩ Tô Nhi A, chị A từ chối mở đèn camera: “Qua câu chuyện buồn của bản thân, tôi hy vọng những người trong hoàn cảnh tương tự sẽ tìm được niềm vui mới, một hạnh phúc mới. Các con đã lớn và tôi quý trọng tình cảm bên gia đình chồng mặc dù đã ly hôn cách đây 17 năm. Tôi không muốn mẹ chồng buồn”, chị tâm sự.

“Người thứ 3 được phát sóng định kì vào lúc 20:00 thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show và App Jtivi.

PV

người thứ 3 , đau xót , ngoại tình