Thầy dạy bơi cảnh báo các tình huống tai nạn phụ huynh không ngờ tới
(ĐSVH) Thầy giáo dạy bơi Nguyễn Văn Sang cho biết, hầu hết các em nhỏ không biết cách xử lý những sự cố ngoài ý muốn khi bơi.
Đầu tháng 5 năm nay, một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 ông cháu ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tử vong. Nơi xảy ra tai nạn là một hố nước lớn sâu 3m, được đào để lấy nước tưới cây ăn quả.
Đến đầu tháng 6, một vụ đuối nước xảy ra ở một căn hộ nghỉ dưỡng thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) khiến 2 bé gái tử vong cũng gây xôn xao dư luận.
Chỉ tính từ đầu 2024 đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 12 vụ đuối nước, khiến 15 trẻ tử vong. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công điện khẩn về tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây, song đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; người lớn thiếu sự giám sát, quản lí trẻ nhỏ khi đang ở gần ao hồ, sông ngòi, bể bơi…
Biết bơi nhưng không biết cách xử lý tai nạn
Thầy giáo dạy bơi Nguyễn Văn Sang cho biết, các tai nạn đuối nước xảy ra khi bơi lội chủ yếu là do 2 nguyên nhân
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Sang – giáo viên bơi lội có thâm niên 10 năm, Chủ nhiệm CLB Bơi Thăng Long (Hà Nội) cho biết, mùa hè là thời điểm trẻ em dành nhiều thời gian ở nhà và tham gia tích cực các hoạt động bơi lội.
Chính vì thế, phụ huynh cần đề cao tinh thần cảnh giác và trang bị đầy đủ kiến thức để phòng tránh tai nạn đuối nước khi cho trẻ bơi lội.
Anh Sang cho rằng, ở thành thị, trẻ em thường được cha mẹ cho đi bơi ở bể - một môi trường khá an toàn so với sông, hồ hay tắm biển. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên chọn bể có nhân viên cứu hộ để kịp thời xử lý các tình huống xấu.
“Hai điều cần nhớ trước khi để trẻ xuống bể, là yêu cầu trẻ tắm tráng và khởi động. Tắm tráng ngoài đảm bảo vệ sinh cho bể bơi, còn có vai trò vô cùng quan trọng là để cơ thể trẻ làm quen với nước, tránh bị sốc nhiệt. Việc khởi động trước khi bơi cũng giúp trẻ tránh bị chuột rút”.
Anh Sang cho biết, các tai nạn đuối nước xảy ra khi bơi lội chủ yếu là do 2 nguyên nhân – một là trẻ thiếu kỹ năng, hai là nhân viên cứu hộ và phụ huynh không theo dõi sát sao khi trẻ ở dưới nước.
“Thông thường, trẻ đi học bơi chỉ biết bơi mà chưa học các kỹ năng xử lý tình huống sự cố ngoài ý muốn. Ví dụ trong trường hợp bị chuột rút, nếu trẻ đang bơi ở bể có chia làn thì cố gắng bám vào làn phao và thực hiện kỹ năng nổi ngửa, sau đó hô hoán người đến trợ giúp.
Nếu trẻ bơi ở bể không chia làn thì có thể dùng kỹ năng bơi bằng tay để vào bờ. Khi không có các kỹ năng an toàn, trẻ thường dễ mất bình tĩnh, quẫy đạp và bị chìm”.
Con biết bơi, cha mẹ cũng không nên chủ quan
"Phụ huynh cần giám sát liên tục khi đưa con đến bể bơi", thầy Sang khuyên
Với kinh nghiệm 10 năm ở bộ môn bơi lội, anh Sang cho biết đã từng gặp những tình huống nguy hiểm do phụ huynh và nhân viên cứu hộ thiếu giám sát. “Cách đây đã lâu, bản thân tôi chứng kiến một trường hợp, khi bể bơi quá đông, trẻ đạp vào nhau khiến một bé bất tỉnh, nằm dưới đáy bể một lúc lâu mà không ai phát hiện ra.
Rất may, lúc đó có một người lặn xuống nên nhìn thấy và lôi bé lên kịp thời. Sau khi sơ cứu, bé thoát khỏi nguy kịch nhưng vẫn bị ảnh hưởng tới sức khỏe”.
“Điều tôi muốn nói ở đây là phụ huynh không nên chủ quan con đã biết bơi. Khi đưa trẻ đi bơi, phụ huynh phải giám sát trẻ liên tục”.
Ngoài ra, người giám sát cũng không nên chủ quan nghĩ rằng trẻ đã có phao và các dụng cụ hỗ trợ là an toàn.
“Cách đây 4 năm, tôi gặp tình huống phụ huynh cho con đi học bơi và cho con đeo phao cổ. Phụ huynh chủ quan, nghĩ có phao rồi thì sẽ không xảy ra tai nạn được. Nhân viên cứu hộ lại không quan sát kỹ.
Khi con vùng vẫy thì phao bị lật ngược, đầu bé chìm xuống dưới nước một thời gian khá lâu mà không ai biết. Khi bé được đưa lên bờ, tôi đã nhanh chóng hô hấp nhân tạo và may mắn bé thoát chết”.
Anh Sang cho biết, các loại phao vẫn có thể có nhược điểm và vẫn có nguy cơ gây tai nạn nếu bé dùng không đúng cách. Ví dụ, phao tròn có thể bị lật, hoặc nếu bé nhỏ quá dùng phao tay phao chân có thể mất thăng bằng, không kiểm soát được vì môi trường dưới nước khác trên bờ.
“Với loại phao bơi open water (dùng để buộc ngang bụng), loại 8 lít bơm căng sẽ hỗ trợ tốt cho người 60-70kg. Nhưng khi trẻ con sử dụng, nếu bơm căng, có thể bị lật đi lật lại vì không vừa vòng tay của trẻ. Phụ huynh không biết, lại nghĩ bơm căng là tốt. Trong trường hợp này, chỉ cần bơm hơi vừa đủ để trẻ dùng không bị lật”.
Anh Sang cũng lưu ý, điều quan trọng cần nhớ là khi thấy tai nạn xảy ra, nếu bản thân không có khả năng cứu thì phụ huynh không nên tự nhảy xuống nước giúp trẻ mà nên hô hoán, tìm dụng cụ xử lý gián tiếp.
https://baomoi.com/thay-day-boi-canh-bao-cac-tinh-huong-tai-nan-phu-huynh-khong-ngo-toi-c49490907.epi