Người Thứ 3: Chồng học boxing về lên gối khiến vợ rạn xương vai

(ĐSVH) Người Thứ 3 tuần này xoay quanh câu chuyện hôn nhân tan vỡ vì người thứ ba và bạo lực gia đình của chị T (32 tuổi), quê ở Tiền giang và đang sinh sống tại TP.HCM.


Theo chia sẻ, chị T và chồng cũ đều làm chung ngành kế toán, anh hơn chị 10 tuổi. Cả hai quen nhau trong một buổi hội họp của những người cùng ngành. Anh là người chủ động xin số điện thoại và làm quen. Cũng như nhiều cặp đôi khác, chị T và chồng có khoảng thời gian 2 năm quen nhau trước khi tiến tới hôn nhân vào năm 2020.

Trong 2 năm yêu nhau, chị T cảm nhận chồng cũ là một người đạo mạo và rất được lòng gia đình vợ. Sát ngày cưới, mẹ chị T đã đưa là lời “cảnh báo” rằng người chồng này có tính gia trưởng nhưng khi ấy tình yêu đã che mờ tất cả khiến chị T tin chắc mình đã chọn đúng người. Sau kết hôn, chị T rời quê theo chồng lên TP.HCM sinh sống.

Lấy nhau chưa được bao lâu, chị T đã vỡ mộng với cuộc hôn nhân của mình. Ngay trong chuyến đi trăng mật ở Sa Pa, chị T bị sốc trước sự kiểm soát quá mức của chồng trong cách ăn mặc: “Khi tôi mặc những bộ đồ đã chuẩn bị cho chuyến đi thì anh ta nói “Ai cho mặc những bộ này? Mẹ em không dạy khi có gia đình thì những chuẩn mực mặc đồ phải ra sao hả?”. Tôi sốc và thắc mắc vì khi quen nhau tôi vẫn mặc những trang phục như vậy. Anh ta giải thích rằng “Quen nhau là khác mà lấy nhau lại khác nữa”.

Trong mắt chồng cũ, người phụ nữ của gia đình không được mặc hở hang, áo phải là tay lỡ hoặc tay dài, phải có cổ áo, không được cổ tim hay hở ngực, còn đầm phải dài qua đầu gối. Ngay cả nếp sống gia đình nhà chồng cũ cũng vô cùng nề nếp và theo lề lối truyền thống.

Đánh giá sơ bộ, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định chị T lấy chồng lớn tuổi để lo lắng cho cuộc sống sau này của mình. “Vật chất không thiếu thứ gì khiến mình cảm thấy đủ đầy mà bỏ quên mất sự tự do cá nhân và chính bản thân mình. Bạn không quan tâm rằng chồng có đón nhận mình như là chính mình trong cuộc đời của họ hay không hay anh ta xem bạn là một công cụ, hạng mục để họ xếp đặt tùy ý”, Tô Nhi A cho hay.

Cuộc sống hôn nhân của chị T bắt đầu trải qua những ngày tháng bi kịch, chồng nói thì chỉ biết im lặng nghe. Hai vợ chồng chị T cùng làm chung công ty. Lần đầu tiên chị T bị bạo hành là ngay trước cửa công ty cùng với người bạn nam đồng nghiệp của mình. Sự tình xuất phát từ việc chị T thường đi công việc với bạn nam kia và người này thuộc cộng đồng LGBT. Thế nhưng chồng cũ chị T vẫn liên tục tra hỏi về mối quan hệ của hai người và những việc cả hai làm khi đi công việc chung bằng lời lẽ khiếm nhã. “Tao không cần quan tâm. Trai cong có thể thẳng được thì chắc gì mày với nó không làm chuyện bậy bạ sau lưng tao”, chị T thuật lại lời chồng.

Lần bạo hành thứ hai là chị T bị hư điện thoại, buộc phải mượn điện thoại của chồng để làm việc. Chị bất ngờ phát hiện tin nhắn của chồng với nhân tình. Cô nhân tình này xuất hiện chỉ sau chuyến trăng mật tầm 10 ngày. “Tôi càng đọc mà thở không nổi”, chị T bức xúc. Khi đưa tin nhắn tra hỏi chồng, chị T bị chồng lao vào đấm tới tấp đến mức nhập viện. Chồng chị T có học boxing nên những cú ra đòn không thể né được. “Ngày xưa tóc tôi dài ngang vai, nhưng anh ta cứ nắm tóc tôi tống vào tường riết tôi cắt tóc luôn”, chị T chua xót nói.

Trong bệnh viện, bác sĩ đã cảnh cáo chị T nếu bị chồng bạo hành thì họ sẽ gọi công an giúp đỡ vì lúc ấy chị bị đánh rạn xương bả vai. “Nếu như chị không thoát ra được cuộc hôn nhân này thì tôi nghĩ lần sau chị mà tới đây lần nữa thì chỉ còn cái xác thôi”, bác sĩ nói. Khi chị T định báo công an thì anh chồng quỳ khóc ngay tại bệnh viện xin tha thứ. Tuy vậy, tình trạng ấy vẫn xảy ra thêm hai lần nữa.

Do bị bạo hành liên tục nên chị T không thể điều tra thêm về việc ngoại tình của chồng. Khi ấy anh ta cắt đứt mọi sự tiếp cận của chị T với cô nhân tình này và thản nhiên công khai việc ngoại tình. “Không có con này thì có con khác, có cấm được cả đời hay không?”, lời thách thức được người chồng thốt ra trước sự cam chịu của chị T. Thấy vậy, chị T đề nghị ly hôn nhưng chồng cũ không đồng ý và đưa ra lời đe dọa: “Mày mà nói hai từ ly hôn nữa thì kêu mẹ mày lên đây khiêng mày về, khiêng ở đây là chết, chỉ có cái chết mới bỏ được tao”.

Tiếp đến, trong ngày kỉ niệm 3 năm ngày cưới, cô nhân tình này lại bất ngờ đến nhà tìm chị T nói chuyện “ba mặt một lời”. Cô nhân tình sinh năm 2001 liên tục trách móc chị T tệ bạc, không hoàn thành nghĩa vụ làm vợ và không chịu buông tha cho chồng. Chồng chị T giải thích cô này là thực tập sinh ở công ty, anh ta thấy có cảm tình nên qua lại với nhau xã giao, không hề sâu đậm. Cũng ngay tại cuộc trò chuyện ấy, người chồng dửng dưng tuyên bố không qua lại với nhân tình nữa. Cô nhân tình phản ứng kịch liệt: “Anh lấy lần đầu tiên của tôi, anh hứa bỏ vợ lấy tôi, tôi không để anh yên”. Cuối cùng, chị T lại là người đứng giữa chứng kiến cuộc cãi vã của chồng và nhân tình.

Lần cuối cùng chị T bị bạo hành là vì chuyện nhà bị cúp nước mà chị chưa kịp nhận được thông báo. Ở lần này, chị T đã có sự phản kháng khi cầm dao tự vệ và cho chồng cũ biết nếu được chị có thể “một sống một chết”. Sau lần ấy, chị gọi về cho mẹ và quyết định nộp đơn ly hôn. Phản ứng của gia đình chồng là đe dọa đến tính mạng gia đình chị T vì cho rằng chị ly hôn với lý do bạo hành sẽ gây ảnh hưởng đến thanh danh anh ta. Chị T cho biết mình chỉ mới nộp đơn ly hôn gần đây nhưng đã xin được tòa tờ giấy cấm chồng cũ tiếp cận ở khoảng cách gần.

Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A dành lời khuyên cho những người phụ nữ có hoàn cảnh giống với chị T phải biết trang bị kiến thức và cách thức để tự bảo vệ chính mình trước bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Tô Nhi A cũng cảm thấy may mắn vì chị T và chồng cũ chưa có con nên cuộc hôn nhân chấm dứt không để lại hệ lụy đến con cái. Cuối chương trình, chị T quyết định không bật đèn để bảo vệ bản thân trước người chồng cũ.

Người thứ 3