Cứu con thoát “tử thần” nhờ đếm nhịp thở
(ĐSVH) Giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng. Trong số đó, có những trẻ do bố mẹ tự ý điều trị nên bệnh trở nặng hơn, dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng…
Tử vong do đưa con đến viện muộn
Mấy ngày nay bé Vy (4 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) quấy khóc, đêm khó ngủ, thở khò khè. Trẻ em thường hiếu động, cộng với thời tiết nắng nóng cao điểm nên lúc nào bé cũng mướt mồ hôi. Do gia đình chạy điều hòa cả ngày nên bé chạy ra chạy vào, nhiệt độ trong ngoài chênh lệch khá lớn dẫn đến viêm phế quản. Nghĩ đơn giản như những lần trước, mẹ bé tự điều trị cho con tại nhà. Tuy nhiên đến chiều tối, bé Vy mệt, sốt tới 40 độ C và có dấu hiệu co giật nên gia đình hốt hoảng cho bé nhập viện.
Trong những ngày đầu hè, lượng bệnh nhi nhập viện do mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản gia tăng. BS Trương Văn Quý (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Mỗi ngày, khoa Nhi khám khoảng 400 - 500 trẻ, trong đó 1/4 số trẻ có các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi.
Cầ đưa trẻ tới các cơ sở y tế nếu có những dấu hiệu sức khỏe bất thường. Ảnh: Chí Cường
Tuy nhiên vào lúc giao mùa này, bệnh nhi đến khám tăng gấp 1,3 - 1,5 lần và chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp. Có không ít trẻ phải cấp cứu do bố mẹ tự điều trị hoặc ra hiệu thuốc để người bán thuốc kê đơn như trường hợp bé Vy ở trên. Nhiều trường hợp đau lòng, con bệnh nặng nhưng bố mẹ chủ quan để ở nhà tự điều trị, khi đến viện thì bệnh trở nặng hơn, suy hô hấp nặng đã tử vong.
BS Trương Văn Quý chia sẻ: Viêm phổi là bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp. Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nhanh nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Các yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao bao gồm: Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh; Trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai); Trẻ không được bú sữa mẹ; Trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh như: Tim bẩm sinh, dị dạng bộ máy hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh; Cơ địa dị ứng; Và yếu tố thay đổi khí hậu, môi trường sống ô nhiễm. Trong đó suy dinh dưỡng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp.
Hiện nay, 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Các loại virus hay gặp là hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, Adenovirus, Rhinovirus... Các trường hợp còn lại có thể do vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác...
Vì vậy, trẻ bị viêm đường hô hấp, không phải lúc nào cũng điều trị bằng kháng sinh. BS Quý khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh mà cần đưa trẻ đến bác sĩ khám và đưa ra quyết định điều trị.
Cứu con nhờ đếm nhịp thở
Theo các bác sĩ chuyên khoa, biểu hiện viêm phổi ở trẻ em rất đa dạng và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và có thể thấy trẻ tím tái khi tiến triển nặng. Khi trẻ có các biểu hiện trên thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Trong quá trình theo dõi trẻ thì cần lưu ý các biểu hiện của bệnh nặng hơn như: trẻ sốt cao hơn và tần số sốt dầy hơn, mệt và li bì hơn, ăn uống kém, thở nhanh. Mẹ nên vén áo, quan sát lồng ngực để đếm nhịp thở. Trẻ bị viêm phổi có nhịp thở nhanh, do đó bố mẹ có thể nhận biết sớm bằng các dấu hiệu dưới đây để theo dõi tại nhà.
Bố mẹ có thể căn cứ vào nhịp thở khi trẻ nằm yên (không quấy khóc, kích động) để biết con có nguy cơ bị viêm phổi hay không. Nhịp thở được cho là nhanh đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi là trên 60 lần/phút; đối với trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi là trên 50 lần/phút ở; đối với trẻ từ 1-5 tuổi là trên 40 lần/phút. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu rút co rút lồng ngực khi thở và trẻ có dấu hiệu tím tái (khi có biến chứng suy hô hấp).
Khi con có những dấu hiệu trên, cần lập tức đưa con đến ngay cơ sở y tế. Có nhiều trường hợp được ghi nhận: gia đình thấy con bị ho, sốt đã tự ý đi mua thuốc về cho con dùng (có thể theo đơn lần điều trị trước hoặc tự chọn thuốc cho con điều trị) nên khi bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện sẽ khiến cho việc chữa trị cho trẻ khó khăn hơn và kéo dài hơn.
Thậm chí có trẻ còn phải thở máy điều trị viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản. Như vậy sẽ kéo dài thời gian điều trị và chi phí cho một lần chữa bệnh sẽ tăng lên, nặng nề hơn, thậm trí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn.
Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, ngay từ khi có thai các bà mẹ cần được chăm sóc dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ. Chăm và nuôi dưỡng trẻ trong môi trường vệ sinh; cần tránh khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ đúng theo lịch quy định, cho trẻ bú mẹ…
Khi phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ (sốt cao, bú kém, nôn, thở nhanh, li bì...), nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà.
Tùy vào số tháng tuổi và số nhịp thở để kết luận trẻ có thở nhanh hay không. Nếu trẻ thở nhanh, nghĩa là trẻ đang bị viêm phổi. - Trẻ dưới 2 tháng tuổi mà có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên là thở nhanh. - Trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi có nhịp thở trên 50 lần/phút là thở nhanh. - Trẻ từ 1 - 5 tuổi, số nhịp thở trên 40 lần/phút là thở nhanh. Ngoài ra, trẻ bị viêm phổi còn có các dấu hiệu: rút co rút lồng ngực khi thở và người tím tái (khi có biến chứng suy hô hấp). |
Theo Mai Việt (Gia đình & xã hội)