Tranh luận về thu phí sử dụng lòng lề đường ở TP.HCM

(ĐSVH) Sở GTVT TP.HCM vừa gửi văn bản xin ý kiến các sở ngành về dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Xung quanh mức phí của dự thảo, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nên thu phí theo giờ, thay vì theo lượt 
 /// Ảnh: Độc Lập

Nên thu phí theo giờ, thay vì theo lượt

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. 

Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.
Các quận 1, 3, 5 đã triển khai thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ô tô. Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí dưới hình thức phiếu thu theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/xe/lượt là quá thấp. Ngoài ra, việc một số quận vẫn chưa triển khai tổ chức thu phí dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng vấn đề này để biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe suốt thời gian dài.
Do đó, việc xây dựng một đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè mới sẽ giúp quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, vỉa hè có hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Phí hè phố từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng
 
 
Liên quan đến phí giữ xe, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nên tính phí theo giờ thay vì theo lượt. Bởi vẫn nên hạn chế việc cho đỗ xe trên lòng lề đường. “Trước khi đưa ra mức giá, TP cần có phân loại, điều tra xã hội thật chi tiết để đưa ra con số phù hợp. Phí thu được không nên đóng vào ngân sách TP mà nên dùng để chỉnh trang lòng lề đường, trồng cây xanh, xây dựng vỉa hè khang trang. Như vậy vừa phục vụ người dân tại chỗ vừa có ngay hiệu quả trước mắt cho TP”, KTS Sơn nói.
 

Theo đề án, mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố làm bãi giữ xe công cộng và để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa thấp nhất từ 20.000 đồng/m2/tháng tại các khu vực Q.7, Thủ Đức, Tân Bình... và cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng tại Q.1.

Mức phí này dựa trên cơ sở giá đất hằng năm do UBND TP.HCM ban hành và hệ số tính giá đất tùy theo khu vực.
Việc sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe ô tô được chia làm 2 trường hợp. Trường hợp chưa áp dụng công nghệ trong thu phí theo thời gian sẽ quy định khu vực 1 thuộc địa bàn các quận: 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận với phí từ 20.000 - 50.000 đồng/lượt/xe, khu vực thuộc địa bàn các quận huyện còn lại phí từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt/xe.
Thời gian thu phí ban đêm từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ban ngày từ 5 giờ sáng đến 21 giờ.
Trường hợp áp dụng khoa học công nghệ trong thu phí theo thời gian, Sở GTVT đề nghị UBND TP cho phép được phối hợp với các nhà đầu tư đề xuất một số tuyến thí điểm xây dựng mức phí, trình UBND TP thông qua.
Không nên phân loại phí theo quận - huyện
Ủng hộ đề án thu phí, sử dụng vỉa hè, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét đây là chủ trương đúng, nhưng cần rõ ràng, minh bạch về luật pháp trong khâu quản lý. “Sở GTVT cần tính toán kỹ nhu cầu, sức cung ứng để đưa ra mức phí phù hợp. Sau khi thu phí phải đảm bảo cam kết hạ tầng cơ sở tốt, đúng chất lượng cam kết. Quan trọng nhất là phải có luật pháp cụ thể để quản lý, tránh trường hợp tăng giá tự do hay các hộ kinh doanh lợi dụng để lấn chiếm vỉa hè một cách ngang nhiên, bừa bãi”, ông Phong nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng trước khi áp mức phí đồng loạt tại tất cả các địa bàn TP, Sở GTVT nên có những nghiên cứu, phân loại chi tiết khu vực lòng lề đường, vỉa hè nào được phép sử dụng làm bãi đậu xe, chỗ kinh doanh buôn bán.
“Cho chỗ nào? Không cho chỗ nào? Dựa trên những cơ sở nào để cấp phép một khu vực có được sử dụng lòng lề đường hay không? Những câu hỏi này nếu chưa giải quyết được thì chưa thể đặt vấn đề thu phí”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, mức thu theo đề án Sở GTVT đưa ra chưa hợp lý. Bởi ngay cả trong một quận cũng có khu khá giả, khu bình dân nên không phải cứ Q.1 là toàn khu giàu và các huyện ngoại thành tất cả đều nghèo. Bên cạnh đó, thu phí còn phải cân nhắc ai là đối tượng đóng phí, người chủ có nhà mặt tiền cho thuê hay người buôn bán?
“Nếu là người buôn bán, có những người đối với họ 100.000 đồng/m2/ tháng chẳng hề gì nhưng có nhiều người cả ngày có khi chưa kiếm được từng ấy tiền. Như vậy, chủ trương thu phí hàng loạt, phân loại theo quận - huyện là không hợp lý”, ông Sơn nhận xét.
Cho rằng việc thu phí sử dụng lòng lề đường không giải quyết được tận gốc vấn đề, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường (Ủy ban MTTQ TP.HCM), phân tích: Thu phí sẽ dẫn đến việc các hộ sau khi đóng phí tha hồ triển khai buôn bán, bày bừa, không những không giữ được vỉa hè cho người đi bộ mà càng khiến tình trạng lấn chiếm trở nên công khai, bát nháo.
“Chưa kể đến việc thu - nộp này rất dễ dẫn đến tình trạng bảo kê, ăn chia giữa hộ buôn bán với các cơ quan chức năng nhằm hợp pháp hóa hành vi vi phạm của mình”, ông Ninh cảnh báo và nêu nhận định: “Lâu nay, lề đường, vỉa hè là nơi người nghèo bám vào để mưu sinh. Hầu hết buôn bán trên vỉa hè là người nghèo. Lấy lại lề đường cho người đi bộ, hạn chế buôn bán vỉa hè là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc TP nên làm là tìm cách tạo công ăn việc làm cho những người đang kiếm sống nhờ nghề buôn bán dạo. Đây là cả một quá trình chuyển đổi cơ cấu xã hội, cần thời gian chuyển đổi từ từ”.
Từ những phân tích trên, ông Ninh đề xuất trong quá trình chờ chuyển đổi việc làm cho những đối tượng này, TP có thể sử dụng các giải pháp tình thế như cho phép các hộ kinh doanh, người buôn bán trên lòng lề đường, vỉa hè tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng hạn chế diện tích đến mức tối thiểu. Đảm bảo họ có thể duy trì mức thu nhập đủ sống nhưng diện tích sử dụng không ảnh hưởng đến phần đường dành cho người đi bộ, không làm mất hình ảnh văn minh đô thị.
Hà Mai

 

thu phí , lòng lề đường