Tỉ phú ếch trên Đồng Tháp Mười

(ĐSVH) Không chỉ thu tiền lời hơn 1 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại nuôi ếch, anh Nguyễn Văn Nữa (29 tuổi) còn là người đầu tiên làm chà bông ếch thành công, mở ra một hướng mới trong tiêu thụ vật nuôi này tại Đồng Tháp Mười.

Anh Nữa tại trang trại ếch giống của mình /// Ảnh: Nguyên Đạt

Anh Nữa tại trang trại ếch giống của mình ẢNH: NGUYÊN ĐẠT

Khởi nghiệp từ ếch

Trang trại nuôi ếch của anh Nữa ở ấp Mỹ Phú (xã Phú Điền, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) rộng hơn 1 ha. Các bồn, hồ nuôi làm bằng bê tông, khu vực nuôi ếch bố mẹ, cho ếch đẻ được anh đầu tư bài bản, đúng kỹ thuật. Anh Nữa kể năm 2008, khi phong trào nuôi ếch tại địa phương bắt đầu phát triển, ếch giống thường bị khan hiếm, người nuôi phải đi xa tìm mua vận chuyển về, dễ bị hao hụt. Điều này làm anh Nữa băn khoăn vì nếu có được nguồn giống tại chỗ thì bà con khỏi đi xa, ếch thích hợp thổ nhưỡng sẽ ít bệnh, lớn nhanh. Suy nghĩ này đã thôi thúc anh mua 7 cặp ếch giống về cho sinh sản. “Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì lắm gian nan. Lúc này, do chưa nắm vững kỹ thuật nên tôi thất bại liên tục. Khi đã thành công tôi nhận thấy nếu bán giống mà không có kinh nghiệm nuôi ếch thịt thì khó hướng dẫn cho bà con. Vậy là tôi phải nuôi thêm ếch thịt để hoàn thiện quy trình nuôi”, anh Nữa nói.
Sau những tháng ngày vất vả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi học thêm từ sách báo, tài liệu, cuối cùng anh Nữa cũng hoàn thiệt kỹ thuật chăn nuôi ếch và cho ếch sinh sản nhân tạo. Từ đó, những vụ nuôi ếch giúp anh thu về vài triệu đồng mỗi tháng từ việc xuất bán ếch thịt và ếch giống. Sau đó, anh mở rộng dần diện tích, đầu tư xây dựng bể xi măng, đào ao nuôi ếch theo phương thức không sử dụng kháng sinh, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi với mật độ vừa phải… để dần hình thành trang trại ếch như ngày nay.
Gian nan với chà bông ếch
 
 
 
Năm 2016, sản phẩm khô ếch và chà bông ếch của anh Nữa được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp; đồng thời được chứng nhận Top 100 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng của VN. Hiện 2 sản phẩm này đã được anh Nữa đưa vào siêu thị.
 
Sau thành công với ếch giống và ếch thịt, anh Nữa quyết định thuê thêm 7.000 m2 đất khu vực xung quanh để mở trang trại. “Tuy thị trường ếch có nhiều tiềm năng nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là khi ếch xuống giá người nuôi sẽ bị lỗ. Để nghề nuôi ếch phát triển bền vững, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm ra những sản phẩm từ ếch”, anh Nữa chia sẻ. Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng anh quyết định làm khô và chà bông ếch để cung ứng thị trường.
Theo anh Nữa, trên thị trường có khô, chà bông thịt heo, thịt bò thì thịt ếch vẫn có thể làm được, mặt khác đã có người làm khô nhái thành công. Tuy nhiên, khi anh Nữa triển khai thực hiện ý tưởng thì những khó khăn bắt đầu xuất hiện. Việc làm cho ếch mất mùi tanh, rồi bảo quản… đòi hỏi những kỹ thuật rất cao mà anh thì chưa tinh thông. Thất bại cứ nối tiếp nhau làm anh lỗ hơn trăm triệu đồng. “Cuối cùng, tôi đã trực tiếp đến gặp các thầy chuyên về công nghệ thực phẩm ở Trường ĐH Cần Thơ nhờ hướng dẫn, qua đó giúp tôi hoàn thiện dần quy trình để làm khô và chà bông ếch thành công”, anh Nữa cho biết. Những sản phẩm đầu tiên được anh mang đi chào bán tại các khu du lịch, điểm dừng chân, quán ăn, quán nhậu, rồi nhờ các thực khách quảng bá… Đến nay, sản phẩm khô và chà bông ếch của anh Nữa đã có chỗ đứng trên thị thường.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Nữa đã đầu tư máy móc đóng gói, chế biến khô và chà bông ếch. Hiện tại, mỗi tháng gia đình anh cung ứng ra thị trường 100 kg khô ếch với giá 400.000 đồng/kg và 200 kg chà bông ếch với giá 700.000 đồng/kg; mỗi năm cung ứng từ 1 - 2 tấn trứng ếch giống với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg; hơn 1 triệu con giống với giá từ 500 - 800 đồng/con... sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu lời hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch, anh Nữa còn tận dụng làm thức ăn để nuôi hơn 2.000 con ba ba, tăng thêm lợi nhuận. Anh Nữa cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng nuôi ếch sạch, quản lý chặt con giống đầu vào, thức ăn đảm bảo không sử dụng chất cấm, đồng thời không sử dụng kháng sinh và quản lý tốt dịch bệnh để cho ra những sản phẩm an toàn”.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Điền, cho biết nông dân đến mua giống ếch đều được anh Nữa tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Anh Nữa là điển hình của thanh niên giàu nghị lực kiên trì khởi nghiệp để thành công. Cách làm của anh cho thấy hướng đi bền vững của nghề nuôi ếch và có khả năng nhân rộng.

Nguyên Đạt - Theo http://thanhnien.vn

Khởi Nghiệp , Tỉ Phú Ếch , Tỉ Phú , Ếch , Đồng Tháp Mười , Làm Giàu