Phụ nữ và áp lực trong mùa giãn cách
(ĐSVH) Chúng ta ở trong những ngày tháng khó khăn khi chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Áp dụng chỉ thị 16, thời gian giãn cách ở nhà quá lâu khiến chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và nhớ những ngày bình thường của trước kia.
Đặc biệt là chị em đã có quá nhiều nỗi lo trong thời điểm giãn cách xã hội.
Nỗi lo hữu hình mang tên “Toàn thời gian chăm sóc gia đình”
Là những người phụ nữ của gia đình, hầu như tất cả chúng ta đều phải dành thời gian để chăm lo từng bữa ăn – từng giấc ngủ cho cả gia đình. Hơn bao giờ hết, trong lúc cuộc sống với nhiều khó khăn trong mua các thực phẩm, việc tỉ mỉ lo lắng từng món ăn, bổ sung dinh dưỡng cho cả gia đình hay làm những món ăn quen thuộc như bún bò, phở, cơm tấm... đã lấy đi của chị em khá nhiều công sức và thời gian.
Hay đâu đó, chúng ta phải dung hòa cả việc dành thời gian để hoàn thành công việc tại công ty, cũng như khó khăn và việc chăm sóc những thiên thần nhỏ tại nhà. Việc này khiến cho quỹ thời gian của mỗi chúng ta còn lại rất ít. Đâu đó còn có người nói rằng làm việc tại nhà (work from home) nhưng một ngày 24 tiếng là không đủ với chừng đó công việc.”
Xung đột tâm lý với chồng
Mấy tháng qua, dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM và cả nước. Khó khăn về cuộc sống, tiền bạc, lại phải ở nhà suốt khiến hôn nhân của nhiều cặp trở nên căng thẳng, mâu thuẫn gay gắt
Vợ chồng anh Hải – chị Hương ngụ tại Bình Thạnh là một trong số đó, đầu tháng 7 anh Hải mất việc do công ty cắt giảm nhân sự, thế là thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông chờ vào những đồng lương của chị Hương. Nhưng lương của chị Hương cũng chỉ được hỗ trợ 50% từ phía công ty, nhưng bao nhiêu thứ phải chi: nào là tiền sữa cho con trai 3 tuổi, tiền ăn uống cho cả nhà, tiền điện, nước…, vừa áp lực tâm lý từ dịch, vừa thêm áp lực về kinh tế, anh Hải và chị Hương hay cãi nhau, “cơm không lành – canh không ngọt” suốt hai tháng trời.
Hay câu chuyện của 2 bạn trẻ Khoa và Thảo tại Quận 7, vợ chồng mới vừa cưới nhau được nửa năm, gia đình lại khá giả nên hàng ngày vẫn có người giúp việc sang dọn dẹp, giúp việc theo giờ. Nhưng từ lúc giãn cách xã hội, giúp việc không thể sang dọn dẹp được, tất cả các công việc bếp núc, lau dọn nhà cửa, rửa chén…. Đều do một mình Thảo phải làm. Vốn chưa quen với công việc nhà, cộng với cả ngày loay hoay với mớ công việc bếp núc, còn Khoa thì cứ mãi chơi game, không đỡ đần phụ vợ công việc nhà. Thảo đã nhiều lần gọi về cho ba mẹ để than khóc vì mệt mỏi.
Nỗi lo kéo dài trở thành hệ quả của những cảm xúc tiêu cực
Việc ở nhà quá lâu, ít giao tiếp với bạn bè và lập đi lập lại những công việc không tên trong một ngày khiến mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy không ổn. Và càng không ổn hơn khi phải kéo dài tâm lý bất ổn trong vài tháng, khiến nhiều chị em phụ nữ dẫn tới căng thẳng, mất ngủ kéo dài.
Sự xung đột tâm lý gia đình cũng khiến chị em phụ nữ rơi vào trạng thái chán nản, âu lo. Cộng thêm những “nỗi lo” từ dịch bệnh, khiếng chị em phụ nữ dễ rơi vào trạng tháng trầm cảm vì không thể chia sẻ, giải bày với ai.
Đừng để những nỗi lo ấy khiến bạn trở nên tồi tệ hơn...
PV - Ảnh minh hoạ