Nhạc sĩ Nguyễn Từ: “Âm nhạc của tôi như một dòng suối chảy qua đời…”

(ĐSVH) Nhạc sĩ Nguyễn Từ chia sẻ: “Âm nhạc của tôi như một dòng suối chảy qua đời, tôi chỉ viết theo những cảm xúc của riêng tôi, viết như hơi thở, như giọng nói, nụ cười… bằng tất cả tình yêu thương cuộc sống. Cảm thấy cần phải viết, thì viết… thế thôi”

Tôi hẹn gặp nhạc sĩ Nguyễn Từ tại một quán cà phê ở Cù Lao Phố, bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng, nơi mà anh rất thích. “Dòng sông này hiền lành nhưng trong lòng của nó chất chứa rất nhiều trầm tư, nỗi niềm qua nhiều biến chuyển của từng giai đoạn lịch sử”… Anh vui vẻ nói với một nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ…!!!

Nhạc sĩ Nguyễn Từ

Nhạc sĩ Nguyễn Từ sinh năm 1961, anh học nhạc rất sớm từ trường nhạc của dòng tu Thánh Tâm tại Đà Nẵng, đi TNXP năm 1979 và những sáng tác đầu tay của anh cũng bắt đầu từ đó “Viết để phục vụ cho phong trào văn nghệ mà” …  Từ đó đến nay, anh sáng tác khoảng 300 tác phẩm, vui có, buồn có… rất nhiều thể loại. “Âm nhạc của tôi như một dòng suối chảy qua đời, tôi chỉ viết theo những cảm xúc của riêng tôi, viết như hơi thở, như giọng nói, nụ cười… bằng tất cả tình yêu thương cuộc sống. Cảm thấy cần phải viết, thì viết… thế thôi”…

 Nhạc sĩ Nguyễn Từ chia sẻ âm nhạc của  anh như một dòng suối chảy qua đời

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

Nhạc sĩ cảm nhận như thế nào về âm nhạc hiện nay?

Âm nhạc là điều tất yếu phải có trong cuộc sống, từ thời xa xưa, cha ông ta cũng đã có những  làn điệu dân ca, đồng dao… để thư giãn trong những lúc lao động mệt nhọc, hoặc để quyến rũ bạn tình… Âm nhạc hiện nay cũng thế, nó phản ánh những nhịp sống, niềm vui, nỗi buồn, về tình yêu của xã hội hiện tại, tôi vẫn rất thích những nhạc sĩ trẻ vì họ là lớp người kế thừa, được đào tạo, học hành tốt hơn thời chúng tôi, và họ viết, họ cảm nhận âm nhạc theo nhân sinh quan riêng của họ, đó là điều rất đáng quý…

 Ca sĩ Giáng Son - đạo diễn Đinh Anh Dũng - nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhà thơ Hồ Tịnh Văn

Nhưng có nhiều người cho rằng đó là nhạc thị trường…không có giá trị?

Tất cả các tác phẩm viết ra bằng cảm xúc… đều có giá trị, cao hay thấp,  dài hay ngắn là do công chúng, những tác phẩm đi được vào lòng của công chúng thì nó sẽ được đánh giá cao và có sức sống lâu dài còn ngược lại thì cho dù nhận được nhiều giải thưởng này kia, cũng sẽ không có sức sống… Trước năm 1975 cũng có dòng nhạc thời trang ( nhạc thị trường hiện nay ), nó vẫn được nhiều người yêu thích đến hiện nay đấy thôi… ( cười)

Tôi nghe rất nhiều bài dân ca của nhạc sĩ sáng tác. Xin hỏi nhạc sĩ đến với dân ca từ khi nào?

Tôi học nhạc trong nhà thờ, theo giáo trình của Pháp, nhưng những làn điệu dân ca đã có sẵn trong tôi từ thuở ấu thơ qua lời ru của mẹ tôi, khi lớn lên tôi may mắn tiếp xúc với những người của nhiều vùng miền, sau đó bỏ công ra nghiên cứu nhiều về những câu hò điệu lý của từng địa phương, vì vậy tôi cũng có một số kiến thức nhất định về dân ca… Tôi có khá nhiều tài liệu nghiên cứu về dân ca của nhạc sĩ Trần văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy…

Ca khúc đầu tay tôi viết theo làn điệu dân ca bắc bộ là ca khúc Nhổ mạ cùng em năm tôi mới 18 tuổi, đến hiện nay vẫn còn được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích…  Khi tôi đi qua  vùng nào, thì tôi sẽ viết dân ca theo làn điệu của vùng đó. Như mới đây, tôi phổ nhạc thơ của cô giáo Hồ Tịnh Văn theo làn điệu Bắc và Bắc Trung Bộ như  bài Kiếp hồng nhan, Mắt liếc lá răm, Ân tình ví giặm…; làn điệu Trung Bộ như Huế trong lòng ai; phổ nhạc thơ của nhà thơ Xuân Việt theo làn điệu Nam Bộ là bài Tìm em nơi Vàm Cỏ Đông…”

Tôi đã nghe ca khúc Về thăm Quảng Nam của nhạc sĩ và rất thích thú câu hò bài chòi trong ca khúc,  làm sao nhạc sĩ có thể đưa bài chòi vào ca khúc một cách duyên dáng như thế?

Hình 5: Ca sĩ Thuỳ Linh giải nhất Sao Mai - nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhạc sĩ Quốc Nam - nhạc sĩ Giáng Son - nhà thơ Hồ Tịnh Văn và hai người bạn thân NS Giáng Son

 Thực ra là tôi không có đưa, cảm xúc đến lúc đó cần phải hò thì là hò thôi, tôi chỉ dọn đường để câu hò trở về lại ca khúc một cách ngọt ngào, không có bị vướng chỗ này, chỗ kia… Những làn điệu dân ca là vốn quý của dân tộc Việt Nam, mỗi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn và làm mới nó, đây cũng là ý của các nhạc sĩ trẻ bạn của tôi như NS Giáng Son, NS Trần Quế Sơn… Nếu không ai làm mới, thì dần dần nó sẽ tự chết, đó là trách nhiệm của các nhạc sĩ trẻ và có tâm huyết với dân ca.

 Nhạc sĩ viết rất nhiều thể loại, vậy thì do cảm hứng hay là do nhạc sĩ muốn viết như thế?

 Tôi viết theo cảm hứng, những gì phải viết, tôi đã viết khi đi TNXP, sau khi rời TNXP tôi viết cho niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, sự trăn trở, sự đau đớn trong tâm hồn, hy vong cho tương lai của bản thân, đất nước. Và cũng có đôi khi viết vì nổi giận nữa… Tất cả đều là tâm trạng của riêng tôi, cũng là một cách bộc bạch tình cảm, nỗi niềm riêng của mình.

Thể loại nào nhạc sĩ thích nhất?

Nếu nói thích… thì tôi thích viết tình ca nhất vì khi yêu nhau thì muôn vàn cung bậc cảm xúc và trong tiềm tàng của mỗi con người thì ai cũng muốn có cho mình một mối tình đẹp, lãng mạn… Đây là một mảnh đất giàu màu mỡ về cảm xúc tha hồ khai thác. Hạnh phúc, chia ly, cô đơn, nhung nhớ… và về giai điệu thì rất là phong phú, quan trọng nhất là mình phải có những cảm xúc thật khi sáng tác…Nếu không thì bản tình ca đó sẽ nhạt nhẻo, không có hồn, và sẽ không chạm vào được  tâm hồn của một khán thính giả nào cả. Vì vậy, hãy yêu thật và viết thật

Ca sĩ  Hà Linh giải nhất Sao Mai - nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhạc sĩ Quốc Nam - nhạc sĩ Giáng Son - nhà thơ Hồ Tịnh Văn và những người bạn của nhà thơ Hồ Tịnh Văn

Anh đánh giá như thế nào về nền âm nhạc Việt Nam?

Theo tôi thì Việt Nam là một trong những nước Châu Á tiếp xúc với nền âm nhạc Châu Âu sớm nhất. Trong khi các nước chung quanh chúng ta vẫn dung chữ tượng hình, thì Việt Nam là nước Đông Nam Á dung mẫu tự La Tinh sớm nhất, vì vậy khi tiếp xúc với âm nhạc cũng có nhiều thuận lợi… Nền tân nhạc Việt Nam khởi nguồn do các linh mục người Pháp vì muốn thuận tiện trong việc truyền giáo nên đã dạy nhạc cho một số người Việt Nam để họ phục vụ cho nhà thờ, đây là những nhạc sĩ tân nhạc đầu tiên của Việt Nam được hình thành. Đầu tiên, họ phục vụ trong nhà thờ, rồi sau đó họ ra các phòng trà của các thành phố lớn chơi vì đam mê. Việt Nam thời ấy có nhiều nhạc sĩ tài danh như Xuân Tiên, Nguyễn Văn Tuyên, Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Đặng Thế Phong …

Kế thừa lớp sau có Dương thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Đan Thọ, Nhật Ngân, Anh Bằng…rồi tới lớp Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Minh Kỳ, Trúc Phương, Đỗ Lễ, Trịnh Công Sơn…Rất nhiều lớp kế thừa tài ba, và họ là vốn quý cho nền âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Giáng Son - đạo diễn Đinh Anh Dũng - nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhà thơ Hồ Tịnh Văn

Lúc đó, âm nhạc phần nhiều là giai điệu và ca từ, đến khoảng 1970 âm nhạc Việt Nam lại có một bước ngoặc khác, thời của các ban nhạc trẻ, giai đoạn này âm nhạc Việt Nam phần nhiều thiên về hòa âm hơn, đây là một giai đoạn đặc biệt, âm nhạc Việt Nam với những Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Quốc Dũng, Trường Kỳ, Đức Huy… Hòa âm rất hiện đại mà không bị lai căng,  vẫn rất Việt Nam.

Nhạc sĩ cảm nghĩ như thế nào về âm nhạc hiện nay?

 Âm nhạc là một món ăn tinh thần, vì vậy có rất nhiều đầu bếp, rất nhiều cách chế biến món ăn khác nhau, tùy theo cách mình lựa chọn… Nhưng trên hết vẫn là công chúng, những người sẽ đánh giá món ăn đó thể nào, tồn tại hay chỉ là ăn cho vui đó là quyền của công chúng…

Nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhà thơ Hồ Tịnh Văn cùng vợ chồng ca sĩ Đức Minh tại tư gia

Nhạc sĩ Nguyễn Từ hội ngộ nhạc sĩ Lã Văn Cường tại Sài Gòn

Mỗi người đến với âm nhạc cũng từng cách khác nhau, vì vậy chúng ta không thể nói rằng nhạc này là hay, nhạc kia không hay. Người chơi nhạc họ có cách lựa chọn của họ, và người nghe nhạc, họ cũng có cách lựa chọn của họ, vì thế theo tôi thì âm nhạc là một trò chơi, và là một món ăn tinh thần, vì vậy chúng ta có quyền chọn lựa cách chơi hoặc cách ăn…

Nhạc sĩ Nguyễn Từ - nhà thơ Hồ Tịnh Văn cùng các fan tại Nghệ An

Riêng tôi, tôi vẫn mãi khắt khe với món ăn của tôi, và trò chơi của tôi, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất mà tôi có thể làm vì khả năng của tôi cũng chừng ấy thôi, nhưng tôi tin một điều… Khi mình làm hết tấm lòng, hết khả năng, thì mình sẽ được mọi người yêu mến…

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!

Mai Mai

Nguyễn Từ , Nhạc sĩ , âm nhạc