Mùng... 11, đã làm việc chưa?

(ĐSVH) Hết mùng, không khí tết vẫn còn bao trùm, vẫn còn nhiều người hẹn hò tiệc tân niên, du xuân... Công sở còn chậm chạp, chưa bắt nhịp công việc...

Theo lối nói dân gian xưa nay thì "còn mùng còn tết" - ý nói hết mùng 10 mới hết tết, hết mùng 10 mới hết "ăn chơi". Nhưng mùng 10, tâm trạng "chơi tết" vẫn còn. Nhiều nơi không khí làm việc vẫn chưa trở lại bình thường...

Thông tin mới nhất trên Tuổi Trẻ ngày 14-2: gần 22% công chức ở Cần Thơ vắng mặt trước và sau tết là một câu chuyện từ thực tế có thể lấy ra làm ví dụ để đặt thêm những câu hỏi khác: các địa phương, đơn vị chưa thực hiện việc "kiểm tra" thì sao?

Vẫn còn "chơi tết"

Mỗi cá nhân tự "kiểm tra" xem mình đã mang "tinh thần nghỉ tết" bao nhiêu ngày rồi, tính từ những ngày chộn rộn trước khi được nghỉ tết đến thời điểm này?

Với nhiều người, 23 tháng chạp âm lịch, đưa ông Táo về trời xem như nghỉ tết, nhưng tình trạng lãng việc cơ quan lo việc riêng đã từ nhiều ngày trước đó. Mùng 9, mùng 10 tháng giêng âm lịch, nhiều điểm du lịch cả nước vẫn đông nghịt du khách đi chơi tết. 

Tâm lý thong thả "chơi tết" sẽ còn kéo dài đến rằm tháng giêng hoặc muộn hơn với nhiều lễ hội. Và có không ít những người đang làm việc ở công sở cũng tranh thủ có mặt ở các lễ hội ấy, ngay trong giờ làm việc.

Tình trạng mọi người xin nghỉ thêm nhiều ngày sau tết cũng phổ biến khắp nơi. Công xưởng, nhà máy vẫn còn vắng người. Công sở những ngày làm việc đầu năm vẫn còn không khí chúc xuân, chưa bắt nhịp công việc. 

Tết này, theo quy định được nghỉ 9 ngày nhưng mọi việc ngưng trệ, chậm chạp phải đến 20 ngày. Hết mùng, không khí tết vẫn còn bao trùm, vẫn còn nhiều người hẹn hò tiệc tân niên, và còn du xuân, lễ hội...

Đầu năm, mọi người chúc nhau "một năm mới thắng lợi, thành công hơn". Nhưng chúng ta vẫn chậm chạp khởi động sau tết, lại mong chờ đến những dịp lễ giữa năm để được nghỉ. Nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động là cần thiết nhưng chúng ta có ba dịp nghỉ lễ giữa năm (mỗi lần 1-4 ngày) và hai dịp nghỉ tết, lần nào cũng rộn ràng trước đó và chậm chạp trở lại nhịp độ lao động.

Đầu năm, lại nghĩ về năng suất lao động của người Việt, dù có đánh giá là đang có chuyển biến nhưng vẫn khá thấp so với các nước ngay trong khu vực. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cần thừa nhận với nhau: tinh thần lao động của từng người mang tính quyết định. 

Từng người, từng bộ phận, từng đơn vị, từng địa phương lao động, làm việc hăng say có thể tạo ra những giá trị thặng dư từ nhỏ đến lớn. Giá trị thặng dư này có thể là tài sản, là kinh nghiệm, là sức sáng tạo..., tất cả các giá trị này đều cần thiết cho việc thay đổi những tồn tại, hạn chế về năng suất lao động người Việt.

Nghỉ bao nhiêu cho vừa?

Nhìn lại trong một năm, người Việt hiện được nghỉ bao nhiêu ngày? Mỗi tuần 1-2 ngày cuối tuần, cộng với hàng chục ngày nghỉ lễ - tết, tính ra không hề ít. 

Trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta, nếu so với các nước giàu hơn, nghĩ kiểu gần gũi hơn, một gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn rõ ràng cần phải lao động nhiều hơn, chăm chỉ hơn. Giá trị lao động của mình chưa cao thì lại cần phải chăm chỉ nhiều hơn nữa.

Nhìn qua một số nước có sự phát triển thần tốc ở khu vực, có lẽ chúng ta chỉ hay nói nước Nhật không có tài nguyên mà quên nói đến sự chăm chỉ lao động của họ. Tôi được một số người bạn Nhật Bản kể rằng sau Chiến tranh thế giới 2, từng có một thế hệ người Nhật làm việc 15-16 giờ/ngày. 

Truyền hình Nhật Bản gần đây còn chiếu lại cảnh không ít những công ty, nhà máy có nhân viên ngủ nghỉ lại tại nơi làm việc, nửa đêm gọi nhau dậy họp bàn kế hoạch sản xuất, đổi mới cách làm việc sao cho hiệu quả. Đến tận bây giờ, khi đã là cường quốc, nhiều người Nhật vẫn giữ sự chăm chỉ ấy.

Bạn tôi ở Nhật kể rằng tại công ty bạn, có người không được phân công làm ngày thứ bảy thì cứ thừ ra, như người mất hồn; một giáo sư đại học khác là thầy của vợ bạn ấy cũng chỉ nghỉ chủ nhật, những ngày khác cứ luẩn quẩn suốt từ sáng đến tối với thí nghiệm, nghiên cứu... 

Tại Hàn Quốc, một đất nước phát triển thần kỳ khác, thì nhiều người còn nhớ mới đây chính quyền phải dùng biện pháp mạnh là ngưng cung cấp điện cho các công ty vào lúc 21h tối để họ... ngưng làm việc.

Không ít người Việt mình sẽ bàn chuyện "quan trọng là hiệu quả công việc" nhưng than ôi, không chăm chỉ thì không bao giờ có hiệu quả như ý, mà chăm chỉ thì chắc chắn hiệu quả đạt được còn hơn mong đợi nhiều hơn.

Hôm nay, 11 tháng giêng (âm lịch), đã hết tết. Chúng ta đang chúc nhau thành công, sung túc cả năm, có cách chi tốt hơn cố gắng làm việc tốt hơn ngay từ bây giờ (tính ra đã giữa tháng 2 dương lịch). Mùng... 11 rồi, chúng ta làm việc bình thường lại chưa?

https://tuoitre.vn/mung-11-da-lam-viec-chua-20190215081949335.htm

tết