Giá xăng dầu lập đỉnh mới
(ĐSVH) Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được áp dụng từ ngày 1-4 đến hết năm 2022
Từ 15 giờ ngày 11-3, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã lập đỉnh mới sau khi liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá theo chu kỳ. Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 28.985 đồng/lít (tăng 2.908 đồng), xăng RON95 có giá 29.824 đồng/lít (tăng 2.990 đồng). Với lần tăng giá thứ 7 liên tiếp này, giá xăng RON95 đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất trong lịch sử.
Không trích lập Quỹ Bình ổn giá
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá tại kỳ điều hành này. Theo đó, dầu diesel có giá bán lẻ 25.268 đồng/lít (tăng 3.958 đồng); dầu hỏa có giá 23.918 đồng/lít (tăng 3.940 đồng) và dầu ma dút là 20.987 đồng/kg (tăng 2.519 đồng). Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu trải qua 6 lần điều chỉnh giá. Trong 6 lần đó, xăng E5RON95 tăng tổng cộng 5.830 đồng/lít, xăng RON95 tăng 5.950 đồng/lít.
Cơ quan điều hành giá đã tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 lên mức 750 đồng/lít, xăng RON95 lên mức 1.000 đồng/lít, dầu diesel lên mức 1.500 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít. Liên Bộ quyết định không thực hiện trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, Quỹ Bình ổn tại nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đang ở mức âm, như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước tính âm 250 tỉ đồng (tính đến 15 giờ ngày 11-3).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng do các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1-3 và kỳ điều hành ngày 11-3 là 132,251 USD/thùng với xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 20,906 USD/thùng, tương đương 18,77% so với kỳ trước); 135,750 USD/thùng xăng RON95 (tăng 18,86%); 135,249 USD/thùng dầu hỏa (tăng 24,73%); 145,191 USD/thùng dầu diesel (tăng 28,87% so với kỳ trước); 647,848 USD/tấn dầu ma dút (tăng 20,23%).
Bộ Công Thương cho biết tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá mạnh của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, cơ quan điều hành giá quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu và tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa để hạn chế mức tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Trước thời điểm giá tăng như trên, nhiều người dân đã đổ xô đi mua xăng khiến hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở TP Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải. Các cây xăng ở khu vực nội đô hoạt động hết công suất để phục vụ người dân. Trước dự báo về giá xăng cán mốc 30.000 đồng/lít, nhiều người dân còn mang can, thùng nhựa đi mua xăng dầu về tích trữ, dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về nguy cơ cháy nổ.
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, việc giảm thuế bảo vệ môi trường được người dân và DN mong đợi nhằm "hạ nhiệt" mặt hàng này. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu ma dút, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít, được áp dụng từ ngày 1-4 đến hết năm 2022.
Người dân TP Hà Nội đổ xô đi mua xăng trước thời điểm tăng giá Ảnh: MINH CHIẾN
Nhiều cây xăng vẫn chưa được nhận hàng
Tại Hà Nội, một số cửa hàng xăng dầu như: Nam Triệu 2 (quận Hà Đông), Xăng dầu Bình An 2 (quận Thanh Xuân) đã treo biển "hết xăng" trước thời điểm tăng giá. Theo kiểm tra của lực lượng QLTT Hà Nội, một số cây xăng tạm dừng bán do hết hàng, dù đã có ký hợp đồng nhập hàng với các thương nhân nhưng phía thương nhân chưa giao hàng cho các cây xăng. Cục QLTT TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT phối hợp với lực lượng chức năng khác tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động toàn bộ các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Qua khảo sát các cây xăng tại TP HCM sáng 11-3, cho thấy lượng xe đến các cửa hàng đổ xăng không còn đông như hôm trước. Đại diện các cây xăng cho rằng ngày 10-3, người đến đổ xăng rất đông, nhiều người còn mang cả can nhựa lớn ra để mua nhưng các cây xăng từ chối mà chỉ đổ xăng cho xe. Sở dĩ buổi sáng trước thời điểm tăng giá xăng, lượng người tìm đến cây xăng giảm hẳn vì nhiều người cho rằng giá xăng tăng vào sáng 11-3 hoặc có người tranh thủ đổ trước vì còn phải đi làm.
Tuy giá xăng tăng nhưng nhiều cây xăng tại TP HCM vẫn chưa được nhận hàng từ các DN phân phối. Do đó, một số cây xăng ở quận Gò Vấp, 12, Hóc Môn vẫn không có xăng RON95 bán cho khách hàng.
Ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HXT Xe du lịch và Vận tải số 4, cho biết HTX có 2 cây xăng dầu tại quận 8 và quận Bình Tân (TP HCM), nhưng cả tháng qua vẫn chưa được DN đầu mối phân phối. "Hôm nay, khi xăng dầu tăng giá họ cũng không cung cấp và thông tin tiếp tục chờ, khi nào có hàng sẽ thông báo sau. Do đó, HTX đã liên hệ với đơn vị cung cấp Comeco và được cấp giấy xuất kho vào ngày 12-3 được 8.000 lít xăng, 8.000 lít dầu" - ông Lèo nói và cho rằng với số lượng được cung cấp này cũng chỉ đủ bán được khoảng 2 ngày là hết.
Đại diện cây xăng tại Quốc lộ (QL) 22 (thuộc quận 12, TP HCM), cho biết 4 ngày qua cửa hàng không còn xăng RON95 để bán, cho dù ngày nào cũng nhắc đơn vị cung cấp xăng dầu giao hàng nhưng không được đáp ứng. Ngay sau khi giá xăng dầu chính thức tăng giá lúc 15 giờ ngày 11-3, cửa hàng yêu cầu DN cung ứng xăng RON95 thì được trả lời chưa có hàng và phải tiếp tục chờ.
Theo Cục QLTT TP HCM, cục thường xuyên chỉ đạo các đội QLTT ở các quận - huyện túc trực giám sát cây xăng trên địa bàn và có báo cáo hằng ngày về tình hình hoạt động của cây xăng. Những cây xăng thiếu mặt hàng nào thì phải đo kiểm thực tế bồn chứa có thật sự cạn bồn hay không. Những cây xăng không bán hàng hoặc bán nhỏ giọt đều được lập biên bản thực trạng. Hiện QLTT tiếp tục xác minh việc thiếu hàng thuộc lỗi cây xăng hay nhà cung cấp để xử lý theo quy định.
Đà Nẵng, Cần Thơ bảo đảm nguồn cung
Tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nhiều cửa hàng xăng dầu chỉ bán nhỏ giọt, người dân chỉ mua được giới hạn 30.000 đồng đối với xăng và 300.000 đồng đối với dầu. Thời điểm này, nhiều nông dân đang thu hoạch lúa nếp, việc nguồn dầu khan hiếm khiến nông dân khá lo lắng.
Tình hình thiếu dầu trên các tuyến đường thủy cũng nghiêm trọng không kém, có cửa hàng phải tăng công suất bán gấp 7 lần so với bình thường, trong khi có nhiều cửa hàng đang tìm cách tạm ngưng hoạt động. "Hiện nhiều cửa hàng xăng dầu quanh đây đã tạm ngưng bán với nhiều lý do như cúp điện, máy hư để không bán cho khách. Để phục vụ nhu cầu của người dân, trong 3 ngày qua, chúng tôi bán hơn 20.000 lít dầu mỗi ngày" - đại diện cửa hàng xăng dầu số 11 (thuộc hệ thống Petrolimex An Giang ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết.
Trong ngày 11-3, qua ghi nhận của phóng viên, tại một số cây xăng tại quận Ninh Kiều và quận Cái Răng (TP Cần Thơ) không xảy ra tình trạng bán xăng nhỏ giọt hoặc găm hàng. Tuy nhiên, do tâm lý sợ giá xăng tăng nên nhiều người chọn cách đổ đầy bình hoặc mua về dự trữ. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, nguồn cung xăng dầu luôn bảo đảm, không để xảy ra chuyện thiếu nguồn hàng.
Ngày 11-3, trước giờ tăng giá xăng ghi nhận tại một số cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng - TP Đà Nẵng, các cây xăng vẫn mở cửa bán cho khách hàng bình thường trước 15 giờ. Những cây xăng này bán theo nhu cầu của khách và tăng cường thêm nhân viên để phục vụ. Khách hàng mua bao nhiêu, cây xăng cũng phục vụ đủ, không có tình trạng bán nhỏ giọt hoặc hạn chế nhân viên làm. Tại cây xăng Petro Vạn Lợi, đường Điện Biên Phủ trưa 11-3 rất đông khách. Nhiều người mang theo can nhựa 5 lít, có người mang theo cả bình 1,5 lít để tranh thủ mua xăng. Nhân viên ở đây được bố trí đầy đủ tại các cột xăng và tranh thủ bơm theo yêu cầu của khách.
Theo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường xăng dầu ở địa phương này vẫn bảo đảm bảo nguồn cung. Giữa các đợt tăng giá xăng, không có tình trạng cây xăng găm hàng, bán nhỏ giọt chờ lên giá.
PVN phải đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước
Ngày 11-3, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, không thể có chuyện trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến. "PVN phải khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu Công nghiệp Long Sơn để đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước…" - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
T.Dũng
Theo Bộ Công Thương, việc sử dụng công cụ quỹ bình ổn nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn giá thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và DN trong quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh.
NHÓM PHÓNG VIÊN