Doanh nghiệp nhỏ lo 'cửa' nhập ôtô về Việt Nam ngày càng hẹp

(ĐSVH) Nếu không thỏa mãn được điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe..., doanh nghiệp sẽ bị thu hồi hoặc không được cấp giấy phép kinh doanh nhập ôtô.

Vẫn nỗ lực xoay xở sau nhiều chính sách siết chặt điều kiện kinh doanh ôtô nhập khẩu những năm gần đây, ông Lê Vinh – Giám đốc Công ty ACB (Hà Nội) tiếp tục băn khoăn khi đọc dự thảo Nghị định điều kiện sản xuất, lắp ráp mặt hàng này, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Theo ông, quy định tại Điều 21 về buộc nhà nhập khẩu ôtô phải sở hữu ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sau 3 năm đi thuê, hợp tác với đơn vị khác tại dự thảo Nghị định chưa khả thi.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - giả thiết nếu doanh nghiệp bán xe cho khách hàng ở Hà Nội, nhưng vị khách lại mang xe vào TP HCM sử dụng và gặp sự cố thì làm sao doanh nghiệp “chuyển” cơ sở bảo hành ở ngoài Bắc vào Nam để bảo dưỡng cho khách hàng được.

Khắc phục bất cập này, ông Tuấn đề nghị, ban soạn thảo nên sửa theo hướng, doanh nghiệp được phép liên kết với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ tiêu chuẩn để tiết kiệm chi phí, tận dụng lợi thế các bên mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

doanh-nghiep-nho-lo-cua-nhap-oto-ve-viet-nam-ngay-cang-hep

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn băn khoăn với quy định tại dự thảo Nghị định mới về điều kiện sản xuất, nhập khẩu xe Bộ Công Thương đang lấy ý kiến. Ảnh: Minh Hoàng

Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ lo không đủ nguồn lực, chưa kịp đầu tư cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thì đã phải đóng cửa, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn trong nước cũng băn khoăn về quy định này.

Trong một văn bản góp ý dự thảo gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) kiến nghị các điều kiện nên quy định rõ năng lực của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong bảo trì, bảo dưỡng xe theo đúng quy trình, phụ tùng thay thế chính hãng theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Quan điểm này cũng được chia sẻ trong văn bản gửi Bộ Công Thương gần đây của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA). Hiệp hội này lập luận, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các nhà sản xuất ôtô thông thường không sở hữu mà sử dụng hệ thống các đại lý uỷ quyền trong phân phối, bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi sản phẩm ôtô. Điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt hại khi xe xảy ra sự cố nhưng doanh nghiệp từ chối quyền lợi bảo hành.

VAMA kiến nghị, quy định kinh doanh nhập khẩu xe phải có mạng lưới bảo hành đủ để phục vụ người tiêu dùng chứ không chỉ là có duy nhất 1 cơ sở bảo hành xe ô tô như dự thảo.

Ngoài quy định về bảo hành, bảo dưỡng, Eurocham cũng nêu bất cập trong quy định về triệu hồi xe hiện nay khi chỉ đưa ra yêu cầu “doanh nghiệp cam kết với Bộ Công Thương”. Theo Eurocham, quy định về triệu hồi xe khi có lỗi kỹ thuật cần chặt chẽ theo hướng phải được thực hiện dưới sự kiểm tra của nhà sản xuất xe, chứ không thể tự ý.

Bày tỏ quan điểm luật sư Trần Đình Thu nhìn nhận, việc thiếu các ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu ôtô đã dẫn tới một số bất cập. Ông đơn cử, nhà nhập khẩu không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất. Hoặc hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà nhập khẩu không tương thích với xe dẫn đến khả năng gây mất an toàn... Chưa kể bản dự thảo cũng không đưa ra chế tài nếu doanh nghiệp cam kết mà không thực hiện. "Doanh nghiệp sẽ bồi thường thế nào, lấy gì đảm bảo họ sẽ triệu hồi xe?", ông Thu đặt vấn đề. 

Ở góc độ doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ, ông Vinh cũng quan ngại về nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Bởi lẽ, thường doanh nghiệp ông nhập xe qua trung gian, chứ ít có mối liên hệ với chính hãng. Việc triệu hồi, khắc phục lỗi theo hướng dẫn của nhà sản xuất khó thực hiện được.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, lâu nay các chính sách về điều kiện kinh doanh ôtô vẫn đang biến Nhà nước thành bị can, bị cáo trong những tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. 

Nhắc lại những trường hợp khiếu kiện thực tế giữa người tiêu dùng và nhà nhập khẩu khi xe xảy ra sự cố, ông Kiên nhấn mạnh, lần sửa đổi cơ sở pháp lý về kinh doanh ôtô lần này cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (chính hãng, không chính hãng) với người tiêu dùng khi triệu hồi xe. “Quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất xe mới không còn cảnh người mua phải kéo lê xe hỏng trên đường “biểu tình” trước lời khước từ bảo hành của người bán”, ông nói.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, dịch vụ bảo hành, hậu mãi đòi hỏi điều kiện đầy đủ chứ không  phải chỉ nhập, bán cho người tiêu dùng xong là doanh nghiệp hết trách nhiệm. Quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp này, theo ông sẽ có ý nghĩa hơn việc giảm giá xe.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phản hồi, để đưa ra được những quy định trong dự thảo Nghị định lần này, Tổ công tác liên Bộ, ngành đã có cuộc khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn để có cái nhìn tổng thể về ngành.

Ông Hải nhấn mạnh đích hướng tới của Nghị định là tạo sự công bằng với từng loại hình doanh nghiệp, sản xuất lắp ráp, các nhà nhập khẩu, cũng như thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam.

Về lo lắng quy định triệu hồi xe đang khá lỏng khi chỉ yêu cầu doanh nghiệp cam kết với Bộ Công Thương, ông Hải nói, những băn khoăn của doanh nghiệp sẽ được ban soạn thảo tiếp tục tham vấn ý kiến các bên liên quan. "Chúng tôi sẽ lắng nghe, cân nhắc và có tính toán, sửa đổi phù hợp nhất để đảm bảo lợi ích các bên và trên hết là người tiêu dùng", ông khẳng định.

Anh Minh

ô tô , nhập khẩu xe , bảo hành