Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang phân biệt cách học của người Nam Bộ xưa so với miền Bắc

(ĐSVH) Nếu như miền Bắc học tập qua sách vở thì người Nam Bộ xưa tiếp thu kiến thức thông qua những câu ca dao truyền miệng và cả những nét văn hóa về lễ tiết lẫn lễ đời người.

Với chủ đề Sự học của người Nam Bộ xưa, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang tiết lộ người dân nơi đây rất thích học hỏi. Tuy nhiên khác với miền Bắc học tập qua sách vở, người dân Nam Bộ học bằng cách truyền miệng, theo lối tư duy hóa, có nghĩa lồng ghép kiến thức, cách ứng xử qua ca dao, lời ru hay tranh truyện hoặc thú chơi tao nhã như học giả Vương Hồng Sển miêu tả nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng. Đó chính là cách học của người Nam Bộ ngày xưa.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang lấy ví dụ nếu như miền Bắc có bộ tranh Xuân Hạ Thu Đông hay Mai Lan Cúc Trúc thì miền Nam có bộ tranh truyện Lưu Bình Dương Lễ. Đến với chương trình Kính Đa Chiều, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang còn mang theo bộ tranh truyện Hằng Nga Hậu Nghệ gồm 4 trang và 12 khung được vẽ và viết bằng tay với đường nét sắc sảo và mềm mại. Bộ tranh này được gia đình của nam diễn giả gìn giữ khoảng 50 năm.

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, cách đọc bộ tranh truyện này từ trái sang phải vì ảnh hưởng của chữ nho. Dù thời điểm bấy giờ, chữ nho gần kết thúc để chuyển sang chữ quốc ngữ. “Ngày xưa, nhiều người ở vùng quê không biết chữ nên họ nghe người giỏi chữ đọc lại và rút ra bài học xử sự ở đời. Hầu hết kết thúc của các bộ tranh này đều là thiện thắng ác”, nam khách mời Kính Đa Chiều chia sẻ.

Vì vậy, có thể nói người Nam Bộ học qua những câu chuyện đời thay vì qua sách vở như miền Bắc. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cho biết thêm: “Trong quá trình khai khẩn, có những bậc thầy giỏi về nho, y, lý, số thì họ đứng ra có trách nhiệm với xã hội, chứ không chỉ riêng họ. Trong những ngày lễ tiết, người ta sẽ làm phong phú, đa dạng văn hóa”.

Nam diễn giả lấy ví dụ người Nam Bộ dùng gỗ lim để khắc chữ và khi tết đến xuân về thì dùng mực tàu phết lên miếng gỗ đã được khắc chữ rồi in lên giấy hồng đơn để làm bài vị hương án ngoài trời. Ngoài ra để đón xuân, người Nam Bộ còn dùng gỗ lim in chữ để làm thành tấm liễng treo trên cây nêu ngày Tết. Dẫu có thể không thể hiểu nghĩa của chữ in trên gỗ lim nhưng thông qua những vật phẩm treo trên cây nêu cũng thể hiện mong muốn cầu một năm mới an hòa thịnh vượng của người dân nơi đây.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết trên cây nêu ngày Tết bắt buộc phải có trầu cau nhưng không phải cau màu xanh mà phải chọn trái cau tầm vung, cau màu vàng vì trong đông y, cao này được gọi là đại phúc bì. Do đó, treo trái cau vàng trên cây nêu mang hàm ý cầu mong đại phúc.

Cách học hỏi, tiếp thu kiến thức của người Nam Bộ trong lễ tiết là vậy, còn trong lễ đời người thì cũng gửi gắm ước muốn tương tự. Chẳng hạn trong lễ đầy tháng hoặc thôi nôi, dù cha mẹ không giỏi chữ nghĩa thì vẫn mong muốn con cháu mai sau học hành giỏi giang. Vì thế, họ tìm những người ăn nói rành mạch, học cao hiểu rộng trong vùng để khấn cúng trong buổi lễ.

Gia đình để đứa trẻ nằm trên chiếc chiếu hoa, người làm lễ dùng một cành bông cúc, bông điệp nhúng nước trong một cái chén và phết lên miệng đứa trẻ và khấn rằng:

“Con mở miệng ra cho quan yêu dân quý

Con mở miệng ra cho ít nước lại nhà

Con mở miệng ra cho có bông có hoa

Con mở miệng ra cho cha mẹ con nở mày nở mặt nghe con”

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang hài hước đùa rằng đạo diễn Lê Hoàng xuất hiện vào ngày xưa chắc hẳn rất đông show thôi nôi, đầy tháng. Vì người dân hy vọng sau này đứa trẻ lớn lên cũng sẽ thành đạt, ăn nói duyên dáng, dễ thương, được kẻ mến người ưa như đạo diễn Lê Hoàng. “Thật ra, đứa nhỏ nghe không hiểu nhưng cô dì chú bác, nội ngoại hai bên nghe sẽ cảm thấy đời của mình ăn càng nói bậy quen rồi, làm sao để chăm lo thế hệ mai sau nên người, không còn cơ cực như đời cha chú”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang bộc bạch.

Ngoài ra, sự tiếp thu học hỏi của người Nam Bộ còn thông qua cách ứng xử, kết nối chòm xóm, cộng đồng. Diễn giả Hồ Nhựt Quang kể lại vào khoảng 40 – 50 năm về trước, khi trời còn tối, khoảng 4 giờ 30 hay 5 giờ thì người dân thường đốt đuốc lá dừa sang nhà hàng xóm hay nhà một học giả để nghe bàn chuyện.

Nếp sống của người Nam Bộ bắt đầu vào khoảng 4 giờ 30 hay 5 giờ, sau khi thắp hương cúng ông bà thì bắt đầu pha ấm trà rồi giữ ấm trong vỏ dừa và bày biện để đón tiếp các cô bác đến ngồi xơi nước nói chuyện. Từ chuyện tàu đến chuyện nhà Tây Sơn đánh giặc, chuyện làm thuốc, đào mương, khai khẩn, nói dóc. Thậm chí chuyện trong xóm có người xích mích thì cũng được nhắc đến trong tiệc trà và bàn luận vấn đề xã hội để hàn gắn mâu thuẫn trên. “Trong xã hội dù có phức tạp, hỗn độn thế nào đi chăng nữa thì có thể cân đối nhờ những chuyện vừa phóng khoáng, vừa hiếu khách, trọng tình, vui vẻ, kết nối và học tập trong đó, tạo nên những mảng màu Nam Bộ rất hay”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Music video ca nhạc thập niên 90 với sự tham gia của host Minh Đức và ca sĩ Thùy Trang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 2/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Nguồn: Jet Studio 

KÍNH ĐA CHIỀU