Bài học cho giới trẻ từ những bê bối của người nổi tiếng
(ĐSVH) Những bê bối của người nổi tiếng thời gian gần đây như của Kim Soo-hyun, Hằng 'Du Mục', Quang Linh Vlogs... đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức trong văn hóa thần tượng của giới trẻ.
Vụ việc nam diễn viên Hàn Quốc Kim Soo-hyun đang gây chấn động dư luận vì những cáo buộc có quan hệ tình cảm với nữ diễn viên Kim Sae-ron khi cô còn ở độ tuổi vị thành niên
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở thành cầu nối quan trọng giữa giới trẻ và những người nổi tiếng. Sự tiếp cận dễ dàng này tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các cộng đồng hâm mộ, nơi mà thần tượng (idol) được tôn vinh và ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, hành vi của người trẻ. Tuy nhiên, việc thần tượng hóa một cách mù quáng có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên.
Người nổi tiếng, với tầm ảnh hưởng rộng lớn, thường trở thành hình mẫu cho giới trẻ noi theo. Nhiều người trẻ thừa nhận họ bị ảnh hưởng bởi hành động và lối sống của thần tượng trên mạng xã hội. Điều này cho thấy mức độ tác động mạnh mẽ của người nổi tiếng đến giới trẻ hiện nay.
Vụ việc của diễn viên Hàn Quốc Kim Soo-hyun gây chấn động dư luận thời gian gần đây. Anh bị cáo buộc có quan hệ tình cảm với nữ diễn viên Kim Sae-ron khi cô còn ở độ tuổi vị thành niên. Dù công ty quản lý đã phủ nhận, nhưng nhiều nhãn hàng lớn như Prada đã chấm dứt hợp tác với anh. Điều này cho thấy, hành vi cá nhân của người nổi tiếng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp và hình ảnh của họ, đồng thời tác động đến nhận thức của công chúng về đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Tại Việt Nam, trong chiến dịch quảng cáo kẹo rau Kera, Hằng “Du Mục”, hoa hậu Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của người có ảnh hưởng. Họ đã thổi phồng công dụng sản phẩm kẹo rau, gây thất vọng cho người hâm mộ. Quảng cáo này vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vừa đẩy người hâm mộ vào những nhận thức sai lầm có thể gây rủi ro cho sức khỏe của chính họ.

Hằng “Du Mục”, hoa hậu Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs đã thổi phồng quảng cáo về công dụng sản phẩm kẹo rau Kera
Hay tại concert Anh trai say hi năm 2024, nam rapper Negav gây chú ý với phát ngôn "Mẹ ơi, mẹ thấy quyết định cho con nghỉ học đúng chưa?". Phát ngôn này đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội trước thái độ "tự hào về chuyện nghỉ học" của anh.
Hay việc anh tham gia vào một nhóm kín với nội dung không lành mạnh, mặc dù đã thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ nhưng nhiều người hâm mộ vẫn cố chấp bênh vực, cho rằng đó chỉ là "tuổi trẻ bồng bột" và đáng được tha thứ. Hành vi bảo vệ thần tượng một cách mù quáng này đã làm được dấy lên lo ngại về việc giới trẻ có thể bỏ qua các giá trị đạo đức cơ bản, khi họ đặt niềm tin tuyệt đối vào thần tượng mà không có sự đánh giá khách quan.

Trước làn sóng chỉ trích, nam rapper Negav phải lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn "mẹ thấy con nghỉ học đúng chưa?"
Những sự việc này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc duy trì hình ảnh và tác động của họ đến cộng đồng người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ.
Văn hóa "stan" (tôn thờ nghệ sĩ) đã trở nên phổ biến trong cộng đồng người hâm mộ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Thuật ngữ này kết hợp giữa "fan" (người hâm mộ) và "stalker" (kẻ theo dõi), mô tả những người hâm mộ cuồng nhiệt, sẵn sàng bảo vệ thần tượng một cách mù quáng, thậm chí bất chấp các giá trị đạo đức. Phần lớn những người tham gia vào các cuộc tranh cãi để bảo vệ thần tượng đều là thanh thiếu niên. Điều này đặt ra lo ngại về sự phát triển lành mạnh của giới trẻ trong bối cảnh văn hóa "stan" ngày càng lan rộng.
Trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng là một yếu tố quan trọng cần được nhấn mạnh. Họ không chỉ là những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao mà còn là hình mẫu cho nhiều người noi theo. Do đó, hành vi, phát ngôn của họ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Việc duy trì hình ảnh tích cực, tuân thủ các giá trị đạo đức không chỉ bảo vệ sự nghiệp của họ mà còn góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.
Về phía người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ, cần có cái nhìn khách quan và tỉnh táo khi thần tượng ai đó. Thay vì mù quáng bảo vệ thần tượng trước mọi sai lầm, hãy học hỏi những điều tích cực và phê phán những hành vi không đúng đắn. Việc "đu idol" có chọn lọc sẽ giúp giới trẻ phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Đồng thời, cần nhận thức rằng thần tượng cũng là con người, có thể mắc sai lầm và không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào họ mà bỏ qua sự đánh giá khách quan.
Thần tượng người nổi tiếng là một phần trong văn hóa giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc thần tượng hóa cần được thực hiện một cách tỉnh táo, có chọn lọc. Giới trẻ nên học hỏi những giá trị tích cực từ thần tượng, đồng thời biết phê phán và tránh xa những hành vi sai lệch. Chỉ khi đó, việc "đu idol" mới thực sự mang lại giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng hâm mộ văn minh.
https://baomoi.com/bai-hoc-cho-gioi-tre-tu-nhung-be-boi-cua-nguoi-noi-tieng-c51849178.epi