7 triệu người chết vì hút thuốc lá mỗi năm

(ĐSVH)  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo thuốc lá giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm, gần gấp đôi con số từng được ghi nhận vào năm 2000.

Những con số đáng chú ý trên cho thấy việc hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu trên thế giới, vượt qua bệnh béo phì. Điều đáng nói là tử vong sớm do thuốc lá hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ngừng hút thuốc.

Các chuyên gia nhấn mạnh số người chết sẽ tiếp tục tăng nhanh, nếu không có một quy định chặt chẽ hơn về thuốc lá ở các quốc gia đang phát triển, nơi có 80% số người chết vì hút thuốc.

Trong một báo cáo được công bố hôm 30/5, WHO cho biết số người chết vì thuốc lá sẽ đạt con số 1 tỷ người vào cuối thế kỷ này.

Theo Tổng giám đốc WHO, Margaret Chan, thói quen hút thuốc lá có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch và ung thư phổi. “Thuốc lá làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, giảm năng suất lao động và gây ô nhiễm không khí trong nhà”, bà Chan nói.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO, Oleg Chestnov, nói thêm: “Một trong những biện pháp kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá hiệu quả nhất là tăng thuế và giá bán thuốc lá".

7 trieu nguoi chet vi hut thuoc la moi nam hinh anh 1
Tăng giá bán thuốc sẽ là một giải pháp giúp giảm thiểu số lượng người hút thuốc lá. Ảnh: Shutterstock/MeskPhotography.

Cũng trong báo cáo mới của WHO, có khoảng 890.000 người chết do tiếp xúc với khói thuốc thụ động, có thể gây đột quỵ ở người lớn và hội chứng đột tử ở trẻ em cùng với nhiều nguy cơ khác.

Một nghiên cứu quốc tế được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet trong tháng 4 cho thấy hút thuốc khiến 6,4 triệu người tử vong trong năm 2016, khiến thuốc lá trở thành kẻ giết người đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau bệnh tim.

Hơn 80% số ca tử vong có liên quan đến thuốc lá ở các nước đang phát triển. Đây là nơi được coi là “mỏ vàng” của các công ty thuốc lá, bởi các quy định về mua bán và sử dụng thuốc lá lỏng lẻo.

Việc bán thuốc lá được cho là đang giảm dần ở các nước phát triển, do luật pháp quy định rất chặt chẽ về việc kinh doanh mặt hàng độc hại này.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính chi phí cho việc chăm sóc y tế và giảm năng suất lao động do các ảnh hưởng của thuốc lá là 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương với gần 2% GDP toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên WHO đưa ra một nghiên cứu chi tiết về những tác động của thuốc lá đối với môi trường, bao gồm quy trình sản xuất, phân phối và chất thải.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Oleg Chestnov cho biết: "Từ đầu đến cuối, chu kỳ cuộc sống của thuốc lá là một quá trình gây ô nhiễm và gây tổn hại tràn ngập".

Đầu tiên, việc trồng thuốc lá đòi hỏi một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu và là nguyên nhân chính của nạn phá rừng ở một số quốc gia. Để sản xuất thuốc lá cần phải có một lượng gỗ rất lớn, theo ước tính của WHO, để sản xuất ra 300 điếu thuốc lá (tương đương với 15 gói), sẽ phải tiêu tốn một cây gỗ.

WHO cũng nhấn mạnh đến tình trạng ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối các sản phẩm thuốc lá. Ước tính rằng hàng năm, ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá phát thải gần 4 triệu tấn CO2 ra môi trường, tương đương với lượng khí thải của khoảng 3 triệu chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương.

Không những thế, chất thải từ quá trình này có chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các chất gây ung thư đối với con người. Một khi đến tay người tiêu dùng, hút thuốc có thể thải ra môi trường hàng nghìn tấn chất gây ung thư, chất độc hại và khí nhà kính.

2/3 trong số 15 tỷ điếu thuốc bán ra mỗi ngày được ném xuống đường phố hoặc nơi khác trong môi trường. Số lượng mẩu thuốc lá chiếm đến 40% lượng rác thải thu được từ việc dọn dẹp bờ biển và đô thị.

Theo Zing

sức khỏe