Giá xăng liệu có tăng đến mốc 30.000 đồng/lít?

(ĐSVH) Xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp, chạm mốc 30.000 đồng/lít và là đợt tăng thứ 6 trong năm nay.

Ngày 11-3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong đợt điều chỉnh sắp tới cũng sẽ leo cao.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8-3 với RON92 là 133,8 đô la một thùng, RON95 135,5 đô la một thùng, tăng 18-20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Nhiều chuyên gia dự báo sau lệnh cấm nhập khẩu từ Nga của Mỹ, thị trường sẽ còn hoảng loạn, đẩy giá dầu leo thang với mức giá khó đoán trước.

Nguồn: Bộ Công Thương

Trong khi đó, giá dầu thô trên thế giới áp sát ngưỡng 140 đô la một thùng và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng rất mạnh vào kỳ điều hành tới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở phía Nam tính toán, theo giá cơ sở ngày 8-3, giá bán lẻ trong nước với xăng đang âm 3.800 đồng/lít và dầu diesel đang âm tới 4.800 đồng/lít. Vì vậy, trong kỳ điều chỉnh tới đây, giá xăng dầu có thể tăng mạnh, giao động ở mức từ 3.000-4.000 đồng/lít.

“Sau kỳ điều chỉnh giá gần nhất, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Vì vậy, dù cơ quan điều hành có can thiệp bằng Quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục tăng cao”, vị này cho biết.

Tuy vậy, đây không phải là kịch bản duy nhất cho kỳ điều hành giá xăng sắp tới. Mới đây, Bộ Công Thương còn dự báo mức tăng cho kỳ điều hành tới cao hơn nhiều so với con số mà các doanh nghiệp đưa ra. Cụ thể, Bộ Công Thương nhận định giá xăng dầu trong nước đang bị ảnh hưởng nặng bởi giá thế giới và kỳ điều hành tới có thể tăng từ 5.000-8.000/lít tùy loại (tương đương tăng 27-44% từ đầu năm).

Đây là nhận định được Bộ Công Thương đưa ra trong công văn trả lời của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Tại công văn này Bộ Công Thương cũng đề nghị giảm 2.000 đồng thuế môi trường với mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu, gấp đôi mức đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Công Thương, việc giảm mạnh thuế là để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng mạnh, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.

Các dự báo cho kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu ngày 11-3 được đưa ra trong bối cảnh số dư Quỹ bình ổn giá đang ở mức thấp, hiện chỉ còn khoảng 620 tỉ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, số dư quỹ này đang ở mức âm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 827,19 tỉ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 158 tỉ đồng.

Nếu các dự báo trên chính xác thì giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp, chạm mốc 30.000 đồng/lít và là đợt tăng thứ 6 trong năm nay. Đà tăng này được nhận định sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp lao đao mà ngay bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng “đau đầu”. Để kìm giá xăng, dầu, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan quản lý phải sử dụng mạnh công cụ thuế và sớm áp dụng để kìm “cơn bão” giá hàng hóa đang hình thành.

https://baomoi.com/gia-xang-ngay-mai-lieu-co-tang-den-moc-30-000-dong-lit/c/41983180.epi

Giá xăng